Giao hàng, bài toán đau đầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử

Ngày Đăng: 31/10/2018 02:51:54

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc nhưng ở khâu giao nhận chưa có sự đột phá tương đồng. Dưới đây là lời giải cho thực trạng này.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang bước vào thời kì sôi động hơn bao giờ hết với mức tăng trưởng 32% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022, theo dự báo của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor. Cũng theo tập đoàn này, khoảng 30% dân số Việt Nam sẽ chuyển qua mua sắm trực tuyến vào năm 2020.

Đi cùng với sự bùng nổ của thị trường Thương mại điện tử chính là ‘miếng bánh logistics’ đang dần phình to với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp giao nhận trong nước và quốc tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khâu vận chuyển chính là chìa khoá cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử.

Tuy vậy, hạ tầng logistics còn hạn chế cùng với các mô hình giao nhận truyền thống bấy lâu nay vẫn còn khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam đau đầu tìm lời đáp cho khâu sống còn này. 

Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn khá cao trong khu vực – khoảng 16.8% so với Châu Á Thái Bình Dương là 12,5%, Thái Lan (15%), Singapore (8,5%).

Để giải bài toán giao hàng, doanh nghiệp thường có hai lựa chọn: tự mình tìm đáp án hoặc tìm đến bên thứ ba, những người đã giải bài toán thành công. 

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư một hệ thống giao nhận riêng sẽ tiêu tốn không ít tài nguyên công ty và công sức quản lý, trong khi với các doanh nghiệp lớn, bài toán giao nhận là ‘sống còn’ khi doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô.

Nhiều doanh nghiệp Thương mại điện tử hiện nay như Lazada, Vascara, Concung,…chọn giải pháp thứ hai – hợp tác với doanh nghiệp giao nhận.

Thế nhưng kể cả khi hợp tác với bên thứ ba, việc tìm lời giải cho bài toán giao hàng vẫn không hề đơn giản. Đặc thù của thương mại điện tử đòi hỏi quy mô và tính linh hoạt của bên giao nhận vượt xa khả năng của các mô hình giao nhận truyền thống. 

Khác với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp Thương mại điện tử thường phải đối mặt với lượng đơn hàng khổng lồ, đặc biệt vào các dịp khuyến mãi. 

Trong các dịp này, lượng đơn hàng tăng lên gấp 3-4 lần chỉ sau một đêm, nếu doanh nghiệp sử dụng bộ máy giao nhận riêng sẽ không kịp trở tay, trong khi hợp tác với doanh nghiệp giao nhận có lượng nhân lực cố định, việc đáp ứng kịp thời lượng lớn đơn hàng cũng vẫn khó khăn.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm theo tính toán của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM). 

Tuy nhiên trong số này không nhiều doanh nghiệp tận dụng được công nghệ để giải bài toán giao nhận – một xu hướng phổ biến trên thế giới và là lối đi được cho là tất yếu cho ngành logistics Việt Nam, theo những doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ để giao hàng thành công.

Vậy các doanh nghiệp công nghệ giải bài toán giao nhận như thế nào? 

Doanh nghiệp giao nhận công nghệ không chỉ có một hệ thống tài xế linh hoạt theo mô hình kinh tế chia sẻ của Uber, Grab – hệ thống này còn có khả năng theo dõi đơn hàng theo thời gian thực, dự đoán sản lượng hàng để phân bổ tài xế, tối ưu đường đi theo dữ liệu lịch sử về giao thông để đảm bảo giao hàng thông suốt ở bất cứ thời điểm nào trong năm – điều mà hệ thống giao nhận truyền thống khó có thể bắt kịp.

Citypost hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử như Vincom, Panasonic, Vascara, v.v. Mặc dù là một trong những công ty công nghệ đi đầu trong lĩnh vực giao nhận nhưng theo kinh nghiệm của startup này, công nghệ chưa phải là tất cả. 

Theo anh Nguyễn Chiến Thắng – TGĐ của Citypost cho rằng ngoài sự chuyên nghiệp và chính xác cao, hệ thống giao nhận cần phải được ‘may đo’ cho doanh nghiệp. "Mỗi khách hàng lớn vốn có các chiến lược phát triên riêng, yêu cầu về dịch vụ chuyển phát cũng có những đòi hỏi riêng," anh Huy cho biết. 

"Khi ấy bài toán được mở rộng ra, tất cả các công đoạn giao nhận với mỗi đối tác sẽ có những yêu cầu riêng đòi hỏi hệ thống vận hành Citypost xây dựng phải vô cùng linh động để chuẩn hóa thời gian từ các khâu nhỏ nhất để đạt kết quả trong suốt hành trình."

Citypost, 100% hàng hoá được bảo hiểm, vận chuyển bằng thùng hàng giữ nhiệt; người giao hàng được ràng buộc trách nhiệm qua hợp đồng, được tài trợ bảo hiểm tai nạn, trong khi đó công ty luôn luôn chứng thực với khách hàng để tránh trường hợp lừa đảo. 

Với dịch vụ thanh toán COD, doanh nghiệp giao hàng công nghệ như Citypost cũng sử dụng công nghệ để đảm bảo thanh toán nhanh, đáng tin cậy. Anh Huy cũng cho biết, startup này không chỉ liên kết các hệ thống ngân hàng thu hộ COD và đồng bộ về hệ thống, tài xế của Citypost cũng sẽ ứng trước tiền hàng và thu lại từ người nhận.

Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường giao nhận trong năm nay đã đón thêm nhiều doanh nghiệp giao hàng công nghệ mới tương tự như Citypost

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, ‘miếng bánh logistics’ vẫn còn rất dư dả cho nhiều đơn vị giao hàng trong và ngoài nước, mà trong đó việc ứng dụng công nghệ chính là bài toán sống còn để ngành logistics bắt kịp với sự bùng nổ của thương mại điện tử.